Ứng dụng thuyết âm dương trong y học
Học thuyết âm dương là một trong những học thuyết quan trọng của y học cổ truyền. Mọi vật tồn tại trên thế gian này đều có mối liên hệ đặc biệt với nhau, mặc dù có cả sự thống nhất lẫn mâu thuẫn, nhưng để tồn tại không thể thiếu được bất cứ yếu tố nào. Âm dương và học thuyết âm dương chính là mấu chốt của việc không ngừng hoạt động, phát triển, biến hóa, sinh sôi lẫn tiêu vong.
1. Về cấu tạo âm dương trong cơ thể và sinh lý:
- Âm: tạng, kinh âm, huyết, bụng, trong, dưới vv…
- Dương: phủ, kinh dương, khí, lưng, ngoài vv..
Tạng thuộc âm, do tính chất trong âm có dương nên còn phân ra phế âm, phế khí, thận âm, thận dương: can huyết, can khí: tâm huyết, tâm khí: Phủ thuộc dương nhưng vì trong dương có âm nên có vị âm và vị hoả vv… Vật chất dinh dương thuộc âm, cơ năng hoạt động thuộc dương.
2. Thuyết âm dương về quá trình phát sinh ra bệnh tật:
Bệnh tật phát sinh do sự mất thăng bằng về âm dương trong cơ thể được biểu hiện bằng sự thiên thắng hay thiên suy:
- Thiên thắng: dương thắng gây chứng nhiệt: sốt, mạch nhanh, khát nước, táo, nước tiểu đỏ; âm thắng gây chứng hàn: người lạnh, chân tay lạnh, mạch trầm, ỉa lỏng, nước tiểu trong vv…
- Thiên suy: dương hư như trong các trường hợp lão suy hội chứng hưng phấn thần kinh giảm.
Trong quá trình phát triển của bệnh, tính chất của bệnh còn chuyển hóa lẫn nhau giữa hai mặt âm dương. Như bệnh ở phần dương ảnh hưởng tới phần âm (dương thắng tắc âm bệnh) như sốt cao kéo dài sẽ gây mất nước, bệnh ở phần âm ảnh hưởng tới phần dương (âm thắng tắc dương bệnh) như ỉa lỏng, nôn mửa kéo dài mất nước, điện giải làm nhiễm độc thần kinh gây sốt, co giật thậm chí gây trụy mạch (thoát dương). Sự mất thăng bằng của âm dương gây ra các chứng bệnh ở vị trí khác nhau của cơ thể tuỳ theo vị trí đó ở phần âm hay dương. Như: dương thịnh sinh ngoại nhiệt: sốt, người và tay chân nóng, vì phần dương của cơ thể thuộc biểu, thuộc nhiệt; âm thịnh sinh nội hàn; ỉa chảy, người sợ lạnh, nước tiểu trong dài vì phần âm thuộc lý, thuộc hàn.
- Âm hư sinh nội nhiệt: như mất nước, tân dịch giảm gây chứng khát nước, họng khô, táo, nước tiểu đỏ vv…
- Dương hư sinh ngoại hàn: sợ lạnh, tay chân lạnh vì phần dương khí ở ngoại bị giảm sút.
3. Dùng thuyết âm dương chẩn đoán bệnh tật:
- Dựa vào 4 phương pháp khám bệnh: Nhìn hoặc trông (vọng), nghe (văn) hỏi (vấn), xem mạch (thiết) để khai thác các triệu chứng thuộc hàn hay nhiệt, hư hay thực của các tạng phủ kinh lạc.
- Dựa vào 8 cương lĩnh để đánh giá vị trí nông sâu của bệnh, tật, tính chất của bệnh, trạng thái người bệnh và xu thế chung nhất của bệnh (biểu ly, hư thực, hàn nhiệt và âm dương) trong đó âm và dương là hai cương lĩnh tổng quát nhất gọi là tổng cương: thường bệnh ở biểu thực, nhiệt thuộc dương; bệnh ở lý, hàn, hư thuộc âm.
- Dựa vào tứ chẩn để khai thác triệu chứng và căn cứ vào bát cương, bệnh tật được quy thành hội chứng thiên thắng hay thiên suy về âm dương của các tạng phủ, kinh lạc vv…
4. Thuyết âm dương trong chữa bệnh và các phương pháp chữa bệnh:
Chữa bệnh: Là sự điều hoà lại sự mất thăng bằng về âm dương của cơ thể tuỳ theo tình trạng hư thực, hàn nhiệt của bệnh bằng các phương pháp khác nhau: thuốc, châm cứu, xoa bóp, khí công vv…
Về thuốc được chia làm 2 loại:
- Thuốc lạnh, mát, (hàn, lương) thuộc âm để chữa bệnh nhiệt thuộc dương.
- Thuốc nóng, ấm (nhiệt, ôn) thuộc dương, để chữa bệnh hàn thuộc âm.
Châm cứu:
- Bệnh nhiệt dùng châm, bệnh hàn dùng cứu; bệnh hư thì bổ, bệnh thực thì tả.
- Bệnh thuộc tạng (thuộc âm) thì dùng các du huyệt sau lưng (thuộc dương), bệnh thuộc phủ (thuộc dương) thì dùng các mộ huyệt ở ngực, bụng (thuộc âm), theo nguyên tắc: “Theo dương dẫn âm, theo âm dẫn dương”.
Vai trò của thuyết âm dương trong đời sống văn hóa nói chung và trong y học cổ truyền nói riêng vô cùng quan trọng. Vạn vật đều có sự sinh ra và mất đi, tuân theo quy trình của tự nhiên và hiểu về quy luật tự nhiên đó giúp y học phát triển vượt bậc hơn.